Đề bài: Phân tích bài thơ Phong Cảnh Hương Sơn
Đến với những trang thơ của Chu Mạnh Trinh, ta luôn thấy thiên nhiên trong thơ ông hiện lên với một vẻ đẹp trang nhã, mộc mạc và yên bình. “Phong cảnh Hương Sơn” cũng là một bài thơ như thế, đó là một bức tranh non nước hữu tình chứa đựng những tình cảm sâu nặng của nhà thơ. Lật giở từng câu thơ, ta cảm nhận được như chính ta đang sống giữa đất trời Hương Sơn thanh tịnh.
“Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây…
“Đệ nhất động’” hỏi rằng đây có phải?
Mở đầu bài thơ là khung cảnh thiên nhiên hiện lên với không gian rộng mở cùng trời đất bao la, trong lành. Không khí nơi đây ngọt dịu như cảnh tiên nơi hạ giới, như chốn bồng lai tinh khiết nhẹ nhàng. Từng vần thơ tuôn chảy như chính nỗi lòng bâng khuâng, xao xuyến của Chu Mạnh Trinh khi toại nguyện mong ước được đặt chân tới mảnh đất này. “Cảnh Bụt” là cụm từ thể hiện trọn nghĩa vẻ đẹp của Hương Sơn- một vẻ đẹp rất khác, thanh tịnh và thoát tục. Dưới ngòi bút khéo léo của nhà thơ, không gian mở rộng ra với núi non, sông nước và trời mây.
Tương truyền chúa Trịnh Sâm đã tặng cho Hương Sơn danh hiệu rằng “Nam thiên đệ nhất động”- nghĩa là động đẹp nhất trời Nam. Nếu như chưa từng một lần đặt chân tới đây, chưa được mắt thấy đất trời, tai nghe non nước róc rách hài hoà với núi non thì mọi sự tưởng tượng có lẽ cũng chỉ là vẻ đẹp tương đối mà thôi. Bởi lẽ Hương Sơn khiến lòng người bang khuâng đến mức khi chứng kiến, phải thốt lên rằng: “Kìa non non, nước nước, mây mây…”. Các từ láy dồn dập, liên hồi nhấn mạnh sự ngỡ ngàng, xao xuyến của người thi sĩ được mãn nhãn giữa cuộc đời. Nơi chốn Phật linh thiêng với “cảnh Bụt” an lành, ta cảm nhận được sự an nhiên tự tại và một sức hút đến lạ kỳ.
“Thỏ thè rừng mai chim cúng trái
Lững lờ Khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.”
Lúc này, không chỉ có đất trời mây núi mà cây cối, chim muông cũng góp phần tô đẹp bức tranh Hương Sơn. Phải chăng đứng giữa cảnh Bụt linh thiêng mà nhà thơ nhìn chú chim mổ trái ngọt giống như đang cúi đầu cúng trái? Và chú cá nhỏ bên Khe Yến bơi nhẹ nhàng như thể đang thực tâm lắng nghe kinh Phật? Cùng với đó, tiếng chuông chùa văng vẳng bên tai người lữ khách khơi dậy sự thảnh thơi, như âm thanh đẹp nhất của cuộc đời! Toàn bộ không gian, hương sắc…bao trùm bởi kinh Phật, tôn quý, linh thiêng.
“Này suối giải oan, này đền cửa Võng
Này Am Phật Tích, này động Tuyết Quynh
Nhác trông lên ai khéo hoạ hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây.
Tác giả liệt kê những quần thể thiên nhiên: suối giải oan, đền cửa võng, Am Phật Tích, động Tuyết Quynh với những đường nét khéo léo tinh xảo đầy màu sắc. Vẻ đẹp nơi đây vừa tráng lệ vừa uy nghi hùng vĩ. Bức tranh mang vẻ thần bí của ánh trăng chiếu rọi nơi miệng hang thăm thẳm, đường lối uốn lượn vân mây như từng nấc thang bồng bềnh. Có thể thấy nơi đây là bình yên, là mảnh đất của hạnh phúc ngập tràn, là nơi giũ bỏ mọi muộn phiền oan ức. Ta vẫn biết rằng bình yên không phải là đứng giữa một khoảng trời không giông tố, mà là khi ở giữa giông bão con người ta vẫn thấy lòng bình yên lạ thường. Con người ta bước trên đường đời của mình thường mải mê kiếm tìm hạnh phúc và bình yên trong vật chất, mà quên mất rằng đôi khi hạnh phúc và bình yên lại phụ thuộc vào chính tâm hồn và trái tim của mình. Có một quy luật thần bí và tuyệt vời của tự nhiên rằng ba điều chúng ta khao khát nhất trong đời: hạnh phúc, tự do và sự bình an của tâm hồn- luôn luôn có thể đạt được bằng cách trao chúng cho người khác. Nhà thơ đã trao tặng sự bình yên đó tới tất cả mọi người qua những câu thơ bình dị.
“Chừng giang sơn còn đợi ai đây
Hay tạo hoá khéo tay xếp đặt?
Càng trông phong cảnh càng yêu…”
Thiên nhiên đã ban tặng cho tổ quốc ta một tuyệt mỹ thắng cảnh, một nơi thần tiên tươi đẹp để sự “khéo tay sắp đặt” ấy trở thành niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. Phải yêu thiên nhiên đến nghẹn ngào, yêu đất nước đến tận gan ruột thì nhà thơ mới viết lên được những câu thơ thấm tình vẹn ý đến như vậy. Từng vần thơ như tiếng lòng của tác giả, chả dài trên trang giấy về tình yêu, về niềm tin và yêu thương tới mọi người. Nơi đất Phật bao dung chở che, chúng ta như bé nhỏ lại, trao và nhận yêu thương bao la, lan toả tới muôn vật muôn người.
Khép lại bài thơ là câu thơ đầy xúc động trực tiếp bày tỏ tình cảm của người thi sĩ khi “càng trông phong cảnh càng yêu”… Với tài năng nghệ thuật kiệt xuất và tình yêu sâu nặng với đất nước, Chu Mạnh Trinh đã khắc hoạ một bức tranh Hương Sơn để đời với những ca từ đáng trân trọng.
Có thể nói bài thơ là bức tranh của đất nước muôn màu, muôn vẻ đẹp thông qua các hình ảnh đơn giản mà đầy chất trữ tình sâu sắc. “Phong cảnh Hương Sơn” của Chu Mạnh Trinh mãi là viên ngọc sáng của nền văn học nước nhà.
Từ khóa: